Gam màu đặc trưng của phục trang xứ Huế

Admin - 13/10/2016 - 0 bình luận

Phong cách ǎn mặc của người Huế được xem là mảng màu quan trọng tạo nên bản sắc vǎn hóa nơi đây. Người Huế đã biết sử dụng màu sắc một cách hài hòa trong lối ǎn mặc, với những gam màu đặc trưng để làm tôn lên những nét nổi bật của phong cách Huế, con người Huế.

Điểm chủ đạo trong trang phục của người Huế là màu sắc. Và màu sắc thiên nhiên được xem là yếu tố ảnh hưởng khá nhiều tới thẩm mỹ cũng như thị hiếu ǎn mặc của người Huế.

Ngoài ra, trang phục xứ Huế còn chịu ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố lịch sử, đó là ý định lâu dài của chúa Nguyễn Đàng Trong muốn tạo ra cho “quốc gia” một phong tục riêng, một trang phục mang hồn dân tộc. Đến thời nhà Nguyễn, đặc biệt là dưới thời Minh Mạng đã bắt đầu “cấm mặc quần không đáy”, điều này cũng đã tạo ra tiền đề cho việc hình thành chiếc áo dài sau này, thành ra ở Huế cũng như miền Nam có nhiều phong tục ǎn mặc riêng, sớm mặc quần, ít dùng áo tứ thân, không quen mặc yếm, vấn tóc, đội khǎn vuông đen... như người xứ Bắc.

 

 

Đến giai đoạn sau, Huế cùng miền Nam sống dưới sự chia cắt và thống trị của Mỹ - Ngụy suốt 20 nǎm ròng, nhưng trong cội rễ sâu xa với bản sắc vǎn hóa truyền thống của mình, Huế đã không bị tập nhiễm cách ǎn mặc của lối sống ngoại lai,vẫn giữ được cung cách ǎn mặc riêng của mình.

Phụ nữ Huế vốn giản dị nhưng rất chỉnh chu. Khi ở nhà hay khi giao tế bình thường, họ ăn mặc giản dị nhưng vẫn tươm tất đàng hoàng. Khi đi làm hay đến nơi công sở cần tề chỉnh, nhưng vẫn không ra vẻ sang trọng, phô trương.

Cũng vì thế mà khi nói tới phong cách ăn mặc truyền thống của phụ nữ Huế, người ta thường nghĩ ngay đến chiếc áo dài Huế. Cũng là chiếc áo dài Việt Nam có nguồn gốc từ chiếc áo dài nǎm thân cổ truyền, trải qua thời gian đã có những sự cải biến lớn nhưng trong sự cải biến, cách tân ấy, Huế đã chọn cho mình một phong cách riêng: từ màu sắc, cách may, cho đến kiểu mặc... Chiếc áo dài Huế không dài còn chấm gót như áo của đất Sài thành, cổ áo cao vừa phải, giữa đôi tà áo không xẻ quá cao, một số được may theo lối thắt đáy lưng ong, tuy nhiên lại không quá bó sát vào người.

Đặc biệt, phong cách Huế cũng được thể hiện thông qua việc chọn các loại vải với nhiều màu sắc khác nhau, như: màu trắng hay đen tuyền, các màu nhạt như xanh trời, hồng phấn, màu vàng hoa mơ, hay tím nhạt... Nếu dùng vải hoa thì phụ nữ Huế chọn loại vải chỉ điểm vài bông màu đậm hay nhạt hơn màu vải một chút với cánh hoa mỏng mảnh, chứ không chọn các loại vải có hoạ tiết hoa quá lớn, quá sặc sỡ hay màu sắc vải nền quá tương phản với hoa.

 

 

Với đàn ông thanh niên và trung niên thì lại chọn áo xanh sẫm lót màu cổ đồng, không rực rỡ như màu đỏ, không chói chang như các màu vàng hay da cam cũng không dịu dàng và nữ tính như màu xanh nõn chuối hay màu tím hoa cà… Theo đó, đàn ông đứng tuổi thường dùng màu xanh nguyên thủy, tuổi càng trẻ, màu xanh càng sẫm lại...

Đối với các cụ già, râu tóc bạc phơ, tuổi thọ trên chín chục thì mặc áo dài màu đỏ bóng điểm những chữ thọ trắng trong. Các ông trẻ hơn mươi tuổi thì mặc áo dài chữ thọ màu xanh; trẻ hơn nhóm nữa thì mặc áo thọ vàng hay lục của lá non… Các màu này tạo ấn tượng vui, mạnh cùng với chữ thọ mang ý nghĩa mong mỏi các cụ khỏe mạnh, sống lâu, vui với tuổi già…

Trái lại, phụ nữ thường chọn cho mình những màu tươi tắn. Những cô gái trẻ, mặc màu càng tươi, nữ tính ẩn hiện trong màu áo, màu má phấn môi son hoà hợp, như: màu vàng hoa mơ, màu tím lục bình, màu lòng tôm, mỡ gà, màu xanh lơ, hồng nhạt, vàng mơ, tím phớt... Đó là những sắc màu tươi sáng, non tơ, hé mở tuổi xuân thì.

Những phụ nữ có tuổi hơn một chút, vẫn ưa thích những màu tươi, nhưng sắc độ đằm thắm và dịu mắt hơn. Các cụ bà thì chít khǎn nhiễu lục, mặc áo dài lá cam, áo cánh bên trong màu đỏ tía.

Thế giới quan Phương đông cho rằng: "Người nam thuộc dương, ánh sáng của mặt trời; người nữ thuộc âm, ánh sáng của mặt trăng". Họ cũng cho rằng: "màu đen và các màu có sắc độ tối sẫm đều thuộc về âm, còn màu trắng và sáng đều thuộc về dương". Thế nhưng, người phụ nữ Huế - khác với phụ nữ hai miền Nam Bắc gắn bó với màu đen, nâu bình dị - chọn màu trắng, màu sáng, là những màu đối lập với nữ tính, điều này không tạo ra sự xung khắc mà trái lại ngày càng trở nên ảo diệu hơn. Nét riêng này của nữ phục cổ truyền Huế được hình thành có lẽ bởi tâm hồn Huế đã hoà sắc với thế giới thiên nhiên bốn mùa hoa trái lung linh sắc màu.

 

 

Và như thế, với người Huế, chiếc áo dài đã trở thành một biểu tượng đẹp không thể thiếu trong phong cách sống của họ. Với thời gian, có nhiều điều sẽ trở nên xưa cũ, nhưng vẻ đẹp của chiếc áo dài mãi không mất đi. Nhiều thế hệ người Huế ưa mặc, từ những em học sinh, sinh viên, thanh niên, rồi cả đến những lớp người trung niên, các bà, các cụ; từ những thanh niên trí thức cho đến những người chị, người em làm nghề buôn bán nhỏ chợ đông hay ở các cửa tiệm... Các cô gái chọn màu quần tuyền trắng hay màu tím nhạt, các em học sinh, sinh viên lại chọn màu áo tím Huế mà sau này - đã có một thời - cùng với chiếc nón bài thơ mỏng vàng như nắng lụa, trở thành đồng phục đến trường của một ngôi trường nữ học nỗi tiếng một thời xưa.

Các nam sinh đến trường trong trang phục: chiếc quần chúc bâu trắng, chiếc áo dài trắng không chít eo, đầu đội chiếc mũ cối thuộc địa, chân mang đôi guốc mộc… mà các thế hệ sau nầy có thể nhìn lại qua hình ảnh tượng đài của học sinh Nguyễn Tất Thành tại sân trường Quốc học Huế. Tất cả đó đã hun đúc nên bản sắc dân tộc đầy truyền thống, tạo nên sự bền vững của một nét đẹp đậm chất nhân văn, bất chấp mọi sự du nhập của lối sống, lối ăn mặc ngoại lai.

Đất Kinh Bắc, tuổi mười ba mẹ đã dạy cách vấn khăn, soi gương, chải tóc; thì thiếu nữ Huế lại thường để tóc thề, ôm xõa bờ vai. Học sinh, sinh viên khi đến trường thường để cho gọn gàng, họ chỉ dùng kẹp tóc để kẹp và thả cho mái tóc nương nhẹ xuống lưng áo dài màu tím. Khi đã có chồng con, phụ nữ Huế lại chải tóc ngược lên rồi búi lận gọn gàng sau gáy (phụ nữ Nam bộ cũng làm như vậy nhưng có thêm bọc lưới để giữ cho tóc khỏi sổ tung). Và, cũng có đôi người vấn tóc quanh đầu như muốn giữ lại cổ tục xưa nơi đất Bắc nhưng không dùng khǎn quấn thắt, mà lại để tóc trần như một số vùng quê Nghệ An - Hà Tĩnh. Người Huế làm thế vì nghĩ rằng đó là cách để làm cho mái tóc thêm đep, không chỉ đẹp trong kiểu dáng, màu sắc đen tuyền óng mượt như nhung, dài như lụa trãi mà còn đẹp trong thoang thoảng hương thơm của hoa nhài, hoa bưởi... (hương thơm của hoa ướp làm nước gội đầu).

 

 

Trong phục trang của người Huế, trang sức hàng ngày cũng vô cùng giản dị. Giản dị nhưng rất tinh tế, lắm khi làm say đắm lòng người. Phụ nữ Huế ít dùng nhiều son phấn. Khi cần thiết, chỉ dùng thoảng nhẹ; tôn vẻ đẹp hài hòa tự nhiên. Trang sức đeo trên người không có vẻ cồng kềnh khoe của; đồ trang sức chỉ như một điểm nhấn để tôn vẻ đẹp của người đeo. Có thể là một chiếc kiềng vàng nơi cổ, tạo nên sự hài hòa giữa vật đeo với cổ áo dài; có thể là một dây chuyền mõng mảnh thả hững hờ nơi ngực áo phập phồng sức sống thanh xuân. Tất cả đó đã tạo nên một dáng vẻ riêng của cô gái Huế.

Trong những ngày Lễ Tết, hội Hè, y phục Huế như một vườn hoa nở bừng muôn sắc. Có thể thấy phong cách trang phục Huế thể hiện rõ nét trong các đám cưới truyền thống nơi đây. Trong lễ rước dâu, cô dâu mặc áo cặp điều lục (điều là màu đỏ, lục là màu xanh), đầu chít khǎn vành màu vàng kim tuyến trang nhã và sang trọng; đi cạnh bên là các cô phụ dâu mặc áo màu hồng, màu nguyệt bạch của ánh trăng hay màu thiên thanh của nền trời mùa Hạ. Đám rước dâu thì đủ muôn hồng nghìn tía. Lọng đỏ, rùa vàng, đôi ngỗng trắng. Những người già đi trước bưng quả hộp sơn son, mặc áo thụng xanh; các lão ông lão bà đi sau, ông thì mặc áo cổ đồng chít khǎn đỏ, bà thì chít khǎn lục. Theo sau cô dâu là bạn bè nam nữ thanh niên đi dự lễ, người mặc áo đơn, người mặc áo cặp đôi, đỏ đỏ hồng hồng…

Nói đến “phục trang” Huế người ta thường nghĩ ngay tới màu tím, đó là màu tím Huế. Trong cách ăn mặc, Huế không chỉ có màu tím bởi lẽ trời đất và thiên nhiên của Huế là một thực thể nhiều màu sắc. Những màu sắc ấy đã hoà nhập vào cuộc sống làm nên phong cách, ước mơ, hy vọng, sự chờ đợi, nỗi lòng, sự buồn vui, lòng thuỷ chung và cả tình yêu. Tím Huế là màu trung gian giữa màu nóng và màu lạnh. Màu tím Huế thật sự đằm thắm, nó cho ta cái cảm giác thăng bằng trong tâm thức, không gây cảm xúc buồn, mà là một niềm vui trong sáng và thầm kín. Thiên nhiên và con người cùng hòa sắc trong từng khoảnh khắc, trong mây trời, sông nước Hương Giang, trong đền đài lăng tẩm, trong trang phục và trong cả lòng người đất Huế thực và mơ.

“Và mỗi ngày, gần như Huế lại có những sắc tím rất riêng. Buổi sáng Huế có màu tím nhẹ phơn phớt của hoa sầu đông, màu tím lúc này thật sự mỏng manh như hơi thở của tuổi thanh xuân. Buổi trưa màu tím nhạt dần sang tím trăng trắng, của những gam tím pha nắng nhợt nhạt, chợt nhen lên trong lòng bao người một nỗi chờ đợi không có nguồn cơn. Và màu tím Huế xuất hiện khi hoàng hôn về, lúc mặt trời đã khuất sau rặng núi phía Tây. Sắc tím đó như đang loang dần trên dòng sông Hương tĩnh lặng, khiến cho sương mù trên mặt sông chuyển sắc dần sang màu tím".

 

 

“Sắc tím Huế không những đã tồn tại và lan toả khắp mọi nơi trong không gian mà còn hoà vào tâm hồn người dân xứ Huế một sắc màu sâu kín, dìu dặt, trầm ngâm và bạt ngàn thuỷ chung".

Bởi vậy, nữ lưu xứ Huế thường mặc màu này trong những lúc giao tế bình thường, hay trong những ngày kỵ giỗ hoặc sau khi đoạn tang. Còn nữ sinh Huế từ những năm 30 - 40 của thế kỷ này đã chọn màu tím làm đồng phục. Trong màu tím Huế dường như có cả một trời mộng mơ của tuổi xuân thì, của lòng thuỷ chung muôn thuở. Màu tím Huế ra đời từ trong sâu thẳm ý thức của người Huế.

Là trung tâm văn hoá dưới thời Tây Sơn, tiếp đến là nhà Nguyễn, Huế quy tụ được rất nhiều các làng nghề thủ công truyền thống, như: dệt, thêu thùa, đan lát, mỹ nghệ như ở huyện Hương Trà, còn làng Sơn Điền, Dương Xuân, Văn Xuyên thì chuyên dệt các hàng vóc, sa, lĩnh, gấm… rất đẹp để cung cấp cho kinh thành. Bên cạnh đó, huyện Phú Vang lại nổi tiếng với việc sản xuất các loại vải nhỏ mịn, các sản phẩm lụa, gấm, thêu ren. Huyện Hương Trà thì lại chuyên cung cấp các loại mũ mão được đính hạt vàng, hạt ngọc hay hổ phách. Từ những chất liệu nầy, chiếc áo dài xứ Huế đẹp toàn diện hơn, từ kiểu dáng cho đến chất liệu vải.

Ngày nay, chiếc áo dài Huế gần như không thay đổi về kiểu dáng, áo vẫn đẹp tuyệt vời,nhưng bất tiện trong những bươn chải của cuộc sống mưu sinh. Nó đã vắng bóng hơn trong đời sống, khép lại những kiêu kỳ… để nhường lại cho những kiểu áo mới, hiện đại và năng động hơn. Nhưng, không vì thế mà hình ảnh chiếc áo dài xứ Huế dễ dàng mất đi.

Chính vì lẽ đó nên dù đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chiếc áo dài Huế vẫn luôn hiện diện trong đời sống hàng ngày của người dân xứ Huế. Từ những bà hoàng, công chúa đến những mệnh phụ quan trong triều, những tiểu thư khuê các ngày xưa quanh năm trong phòng the, cung cấm đến các chị buôn thúng bán bưng với những gánh bún bò, cơm hến, những giỏ trái cây, nách bánh bèo, bánh lọc một nắng, hai sương từ mọi nẻo ngoại ô: Văn Thánh, Kim Long, Nam Giao,Vỹ Dạ, lên những chuyến đò Thừa Phủ...

Ai nấy đều kín đáo đến cao sang, nhỏ nhẹ đến nhẫn nhịn trong tà áo dài xứ Huế. Có lẽ đó cũng chính là nét dịu dàng tha thiết nhưng luôn cháy bỏng trong nỗi nhớ niềm thương mà những người con xứ Huế muốn lưu giữ muôn đời.

Tham khảo:

1) Nguyễn Xuân Hoàng, 2007, Cỏ hoa xứ Huế, Nxb Văn nghệ.
2) Nhiều tác giả, 2006, Tím Huế, Nxb Trẻ.
3) Lê Văn Hảo, 1984, Huế giữa chúng ta, Nxb Thuận Hoá.

Theo Hồ Phước Nguyên (Khám phá Huế)

Tags : trang phục áo dài, áo dài tím Huế

Viết bình luận của bạn

Top
Sale

Không sẵn có

Hết hàng