Không có nhiều tài liệu sử sách giải thích nguồn gốc của điệu múa bụng nhưng giả thuyết chắc chắn nhất cho rằng nó sinh ra tại các ngôi đền của Ai Cập cổ đại cách đây hơn 4000 năm. Ban đầu, múa bụng có chức năng phục vụ cho các cuộc tế thần tại các ngôi đền này. Nó cũng giống như kiểu mấy ông làm dịch vụ lên đồng ở Việt Nam. Vào triều đại các vị vua Pharaon, những thầy cúng nữ làm lễ bằng cách uốn dẻo lượn sóng phần bụng và quay người tít thò lò với mục đích triệu hồi nữ thần tình yêu nhập hồn vào xác họ.
Những tài liệu chính thức có nói về múa bụng không phải do người Ai Cập mà lại là do người Châu Âu viết vào thế kỷ XVIII. Người Châu Âu và đặc biệt là người Pháp khá sốc với những phụ nữ múa bụng với trang phục khá là « thiếu vải » bởi khi ấy đạo Thiên Chúa giáo bắt buộc người Châu Âu phải ăn mặc kín đáo khi ra ngoài. Những đường uốn gợi cảm khiến cho cộng đồng Thiên chúa giáo liên tưởng đến sự tà lưa của gái làng chơi và những vũ công thời ấy bị sát hại rất nhiều. Thế nhưng những cuộc sát hại đó không làm người Châu Âu mất đi sự tò mò về điệu nhảy này. Ngay từ thế kỷ XIX, với phong trào lấy phong cảnh Trung Đông làm chủ đề vẽ tranh, nhiều họa sĩ phương Tây đã tôn vinh vẻ đẹp huyền bí của những vũ công múa bụng.
Đi cùng với sự phát tán hình ảnh quyến rũ của vũ công múa bụng ra nước ngoài, bên trong các quốc gia hồi giáo ở Trung Đông và đặc biệt tại Ai Cập lại là một phong trào cấm đoán sự xuất hiện của điệu nhảy này. Múa bụng thực sự lừng danh vòng quanh thế giới nhờ triển lãm quốc tế ở Chicago năm 1893 và bộ phim Hollywood « Forbidden dance » (1951). Bị cấm tiệt ở Ai Cập vào đầu thế kỷ XX, múa bụng lại lên như diều gặp gió tại các cabaret (một loại hộp đêm) ở Châu Âu và Châu Mỹ những năm 30-40. Và sự quốc tế hóa của múa bụng bắt đầu từ đó.
Theo truyền thống hồi xưa, phần lớn vũ công biết múa bụng ngay từ bé, không phải vì họ theo một khóa học nào đó mà chủ yếu là do họ bắt trước người lớn. Các vũ công hay múa giữa họ tại bất cứ dịp nào : cưới xin, sinh đẻ,…Nhưng ngày nay, các vũ công là một nghề chuyên nghiệp và thường được đào tạo tại các trường danh tiếng. Và tất nhiên, phần lớn là các show diễn dành cho khách du lịch.
Múa bụng trong con mắt người Ai Cập
Khi tham gia xem các buổi biểu diễn múa bụng ở Trung Đông, đặc biệt là ở Ai Cập, tôi nhận thấy rằng rất nhiều vũ công có dáng vẻ bề ngoài khá mập mạp và có nhiều mỡ. Người Ai Cập giải thích cho tôi rằng tiêu chuẩn vẻ đẹp vũ công của họ không phải là vẻ đẹp dáng người thon thả như tiêu chuẩn người mẫu Châu Âu, mà là kỹ năng uyển chuyển của các nét cơ bụng làm sao càng sexy càng tốt. Một điều nữa khiến tôi ngạc nhiên, đó là vũ công múa bụng ở Ai Cập không nhận được sự tôn trọng từ xã hội. Nghề này không được coi như một nghề đàng hoàng và phần lớn vũ công biểu diễn tại các show cho khách du lịch không phải là người Ai Cập mà lại là người ngoại quốc. Một số kỹ thuật múa bị cấm do chính phủ Ai Cập lo sợ mức độ sexy của nó. Tiếp đến, những kênh truyền hình quốc gia không phát chiếu chương trình múa bụng nữa.
"Một ngày nào đó Ai Cập sẽ là quốc gia xuất khẩu vũ công múa bụng", ý kiến này không phải là lời nói đùa mà là một đề xuất nghiêm túc vào những năm 70, thời kỳ đỉnh cao của nghề múa bụng tại Ai Cập. Nhưng ngày nay, đa số vũ công lại xuất xứ từ…Nga hoặc Châu Mỹ latinh thậm chí là từ Pháp !!!Họ còn đổi cả tên thành tên ảrập nữa, nào thì Soraya, Ketty, Nour, Layla…
Nhiều người thậm chí còn không nói giỏi tiếng ảrập nhưng biết cách vỡ bài và thông thạo ngôn ngữ cử chỉ cơ thể. Sao lại thế nhỉ ? Cô Ihab Gad, huấn luyện viên dạy múa tại Cairo giải thích cho tôi rằng sau khi Liên Xô tan rã, đã có rất nhiều cô gái Đông Âu đi tìm việc làm ở Ai Cập và các quốc gia hồi giáo khác. Do tiền lương họ đòi hỏi không cao và lại có vẻ đẹp bề ngoài rất tuyệt vời nên rất dễ được nhận vào các đội múa bụng. Thêm nữa, chính phủ Ai Cập có vẻ không đòi hỏi quá khắt khe về trang phục mặc của họ như là đối với chính phụ nữ địa phương. Nhưng mà chắc là vũ công ngoại quốc cũng sẽ không được phép nán lại Ai Cập nữa vì hình như bộ nội vụ sắp ra điều luật cấm người ngoại quốc hành nghề này rồi. Phí quá !! Thế là sắp hết cơ hội được ngắm mấy nàng da trắng mắt xanh múa bụng rồi.
Thời kỳ thoái trào của trào lưu múa bụng
Việc ra điều luật cấm vũ công ngoại quốc phản ánh rõ quan điểm của chính phủ Ai Cập, muốn trao cho vũ công Ai Cập nhiều cơ hội hành nghề hơn. Có vẻ như nhiều người dân Ai Cập cũng như nghệ sĩ trong nghề ủng hộ luật này. Họ cho rằng truyền thống múa bụng đang tan lụi ngay tại đất nước sinh ra nó và nở rộ ở hải ngoại và đó là điều không thể chấp nhận được. Nhưng biết làm sao được khi ngay chính xã hội Ai Cập cũng không có sự đối xử công bằng với những vũ công hành nghề này. Ngay những gia đình Ai Cập truyền thống còn không chấp nhận việc các vũ công mặc đồ thiếu vải và nhảy múa cứ như thể đang tà lưa các đấng mày râu đã có gia đình. Nhiều phụ nữ Ai Cập sợ rằng hành nghề này sẽ mang tiếng xấu muôn đời nên không dám tiến thân nữa.